Những điều chưa biết về truyền thuyết “ông Táo về trời”

Những điều chưa biết về truyền thuyết “ông Táo về trời”

2.256 lượt xem

Từ lâu câu vè “Thế gian một vợ, một chồng, không như vua bếp, hai ông một bà” đã lưu truyền trong nhân gian về câu chuyện vợ chồng nhà táo. 

Ông Táo, Táo quân là những từ để chỉ Thần Bếp – người có nhiệm vụ ghi chép tất cả những hoạt động của gia đình trong một năm để báo cáo về thiên đình. Vào ngày 23 tháng chạp, ông Táo sẽ cưỡi cá chép về chầu trời, tâu với Ngọc Hoàng tình hình cuộc sống của nhân gian trong suốt một năm dài.

Có 2 giai thoại về câu chuyện vợ chồng nhà táo

Giai thoại thứ nhất

 Câu chuyện về vợ chồng nhà Táo từ lâu đã trở thành giai thoại lưu truyền trong dân gian. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện về vợ chồng nhà Táo từ lâu đã trở thành giai thoại lưu truyền trong dân gian. (Ảnh: Internet)

Chuyện kể rằng vợ chồng tiều phu nọ rất nghèo khó sống ở ven rừng, không có con cái. Người chồng suốt ngày rượu chè, bỏ bê công việc gia đình. Người vợ nhiều lần can ngăn nhưng không thành, đã thế lại còn bị chồng đánh đập những lúc say xỉn.

Người vợ vì quá thương chồng đã nhẫn nhịn chịu đựng, nhưng một ngày nọ trong cơn say người chồng đã đánh và đuổi vợ đi. Người phụ nữ ôm tủi nhục đi sâu vào rừng. Đến đêm thì thấy ánh lửa ở một căn nhà giữa rừng nên vào xin tá túc. Chủ căn nhà là người thợ săn sống một mình. Nghe kể xong sự tình, người thợ săn cảm mến cho người phụ nữ ở lại. Sống lâu nảy sinh tình cảm, hai người gán ghép với nhau thành gia đình.

Riêng người tiều phu, khi vợ rời đi, trong lòng hối hận, đã cất công đi tìm vợ ngày này tháng nọ. Cuối cùng anh cũng tìm thấy ngôi nhà của người thợ săn ở giữa rừng. Vợ chồng cũ gặp lại vừa mừng vừa tủi, ngay lúc đó người thợ săn đi về. Sợ đánh mất hạnh phúc hiện tại của người vợ, người tiều phu trốn trong ụ rơm và bị thiêu chết khi người thợ săn vô tình đốt lửa để làm thịt thú vừa săn được. Thấy chồng cũ chết, người vợ quá đau xót lao đầu vào lửa chết theo, người thợ săn thấy thế cũng lao vào lửa tự vẫn.

Cảm thương trước tình yêu mãnh liệt của 3 người, Ngọc Hoàng cho họ được sống chung cùng nhau và trở thành ông, bà Táo trông coi việc bếp núc, củi lửa của nhân gian.

Giai thoại thứ hai

 Câu chuyện gia đình nhà Táo là bài học về tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa người với người. (Ảnh: Internet)
Câu chuyện gia đình nhà Táo là bài học về tình cảm gia đình, tình yêu thương giữa người với người. (Ảnh: Internet)

Chuyện xưa kể lại có người tên là Trọng Cao lấy vợ tên là Thị Nhi ăn ở với nhau đã lâu mà không con nên sinh ra buồn phiền hay cãi cọ. Một hôm, Trọng Cao giận quá nên đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang. 

Khi Trọng Cao hết giận vợ, chàng nghĩ lại thấy mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Trên đường, vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn.

Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị thiêu chết. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.

Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người, (2 ông, 1 bà) và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ, Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi và cho ba người hóa thành chiếc kiềng ba chân ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa.

Vì sao Thần Bếp lại cưỡi cá chép về chầu trời?

 Tranh minh họa truyền thuyết "cá chép hóa rồng". (Ảnh: Internet)
Tranh minh họa truyền thuyết “cá chép hóa rồng”. (Ảnh: Internet)

Truyền thuyết kể rằng ông Táo hàng năm cưỡi cá chép về trời. Vì sao lại là cá chép? Nhân gian vẫn lưu truyền rằng cá chép có thể hóa rồng bay lên trời cao.

Dân gian lưu truyền câu chuyện cá chép hóa rồng trong câu “Mồng bốn cá đi ăn thề, Mồng tám cá về, cá vượt Vũ Môn”, Vũ Môn là một chỗ có nhiều ghềnh thác trên sông Dương Tử (Trường Giang) thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày nay. Cứ đến ngày mồng tám tháng tư thì cá chép ở các nơi quy tụ về chỗ ghềnh thác để thi nhảy. Con nào nhảy vượt qua được ba bậc của ghềnh thì hóa thành rồng.

Thay lời kết

Truyền thuyết ông Táo về trời đã lưu truyền dân gian hàng trăm năm nay xuyên suốt chiều dài của lịch sử văn hóa Việt. Tục lệ tiễn ông Táo về trời không những là một nét đẹp trong văn hóa mà còn là truyền thống đáng quý cần được bảo tồn trong tín ngưỡng của người Việt Nam.

Theo thegioitre.vn