2020: Chỉ cần làm hết mình, không trốn tránh trách nhiệm, sống vui vẻ và học cách chăm sóc bản thân, vậy là trưởng thành

2020: Chỉ cần làm hết mình, không trốn tránh trách nhiệm, sống vui vẻ và học cách chăm sóc bản thân, vậy là trưởng thành

1.056 lượt xem

Năm 2019 chúng ta theo đuổi rất nhiều nhưng đạt được chẳng là bao, vậy 2020, chỉ cần sống đúng với chính mình, làm việc hay nghỉ ngơi cứ hết mình và vui vẻ là đủ.

01.

Mùa đông, mùa của tất niên, thường được đại diện bởi sự lạnh lẽo. Vào thời điểm này, người ta thường hướng tới những điều ấm áp như một nồi lẩu, một bể nước ấm, một cái ôm thân tình…

Dường như những điều ấm áp này có thể biến tâm trạng của chúng ta trở nên nhẹ nhàng hơn, xua tan cái lạnh lẽo của mùa đông. Tựa như hoa đào của ngày xuân, một cơn gió nhẹ thổi qua, cánh hoa rắc lên không trung một sắc hồng nhạt tươi tắn, thêm chút hương hoa ngọt ngào. Đó là thời điểm mà chúng ta biết rằng, 2019 sắp kết thúc, 2020 đang tới gần.

Nhìn lại một năm vừa qua, chúng ta từng theo đuổi rất nhiều điều, lập ra rất nhiều kế hoạch, mong ước đạt được nhiều thứ. Có thể là đỗ đại học, tốt nghiệp cử nhân, có thể là xin việc làm, thăng chức tăng lương, cũng có thể là tìm được người yêu, lập gia đình yên ổn… Những điều tưởng chừng có thể từ từ thực hiện, nhưng gần một năm nữa đã trôi qua, chúng ta cũng thu hoạch chưa được bao nhiêu.

Một năm qua, vô số mặt tối của xã hội ngày càng lộ rõ với rất nhiều vụ việc rúng động trải đầy các mặt báo, các bản tin thời sự. Chúng ta đối mặt với sự vô thường và mong manh của cuộc sống một cách trần trụi. Cũng có biết bao nhiêu việc đã xảy ra đối với bản thân chúng ta mà mỗi khi nhìn lại, hối hận, tiếc nuối, quyến luyến, tức giận, chế giễu, mỉa mai, buồn bã, than thở, lo lắng… là những cảm xúc trải đầy tâm sự.

Dõi mắt nhìn lại, chúng ta từng liều mạng phấn đấu để truy đuổi danh lợi, tích lũy tài phú, vượt qua người khác… Những tiêu chí này dần trở thành mục tiêu chung của đại đa số mọi người. Những người không thuận theo, không làm được thường bị chụp mũ “kẻ thất bại” trên đầu.

Từ khi nào, người ta đã xếp đặt một khuôn mẫu cố định để đánh giá “hạnh phúc”? Lấy một nhân tố để đánh giá cả quá trình? Nhặt một giai đoạn trong đời để đánh giá sự thành công?

Hạnh phúc có dễ đong đếm bằng một quy chuẩn hay không?

  1. Thế nào là trưởng thành?

Ở phần đầu của bộ phim “Léon”, phim tâm lý hình sự của Pháp ra đời năm 1994 do đạo diễn người Pháp Luc Besson tự viết kịch bản và làm đạo diễn, từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế danh giá như Giải Sư tử Séc cho Phim nước ngoài hay nhất, nhân vật Mathilda do Natalie Portman thủ vai đã hỏi nhân vật Léon do Jean Reno thủ vai một câu như sau: “Is life always this hard,or is it just when you are a kid?”

(Tạm dịch là, “Cuộc sống có khó khăn đến thế không, hay nó chỉ khó vì tôi vẫn là một đứa trẻ?”)

Léon đã trả lời: “Always like this.”

(Tạm dịch là, “Nó luôn khó vậy đó.”)

Câu trả lời thẳng thừng mà không hề đắn đo của Léon đã khiến rất nhiều người phải giật mình vì sự thật phũ phàng, nhưng lại rất đúng đó.

Khi còn nhỏ, tôi cũng như đại đa số các bạn đều luôn muốn mình lớn lên thật nhanh, trưởng thành trong phút chốc vì nghĩ rằng làm trẻ con thực sự có quá nhiều rắc rối: Bài tập về nhà chất đống, không được chơi món đồ mình thích, không được cầm nhiều tiền tiêu vặt, không được đi sang nhà bạn ngủ qua đêm, không được tự ý ra đường… Thế là, chúng ta khao khát tương lai đến thật nhanh, để mình có thể khôn lớn tự do làm mọi điều mình thích.

Tuy nhiên, khi thực sự lớn lên rồi, tôi sẽ phát hiện ra rằng, thế giới của người trưởng thành thậm chí còn khó khăn hơn. Rắc rối này qua đi sẽ lại là bắt đầu của những rắc rối mới: Không đủ tiền mua nhà, khoản nợ trả mãi không xong, công tác cạnh tranh mà thu nhập thì ít ỏi, quan hệ tưởng là thân thiết nhưng chẳng nhờ vả được mấy ai…

Khi còn nhỏ, chúng ta chỉ không được làm điều mình thích. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta còn phải làm tất cả mọi điều mình ghét. Đó là lý do mà người ta luôn nói rằng, đằng sau một vở hài kịch là cả một bầu trời bi kịch. Bên ngoài càng hài, bên trong càng bi.Chỉ cần tùy tiện chỉ ra một điều cũng đủ để chúng ta cảm thấy thất vọng về nhân sinh của chính mình. Đó còn chưa phải thời điểm để bắt đầu thay đổi tư duy hay sao?

  1. Lời nói dối lớn nhất trong cuộc sống chính là: Đợi đến khi đó, mọi chuyện sẽ tốt hơn thôi.

Kỳ thực, “khi đó” là bao giờ, không ai có thể biết được. Nó sẽ là 2020, hay 2030, hay là 2200? Chúng ta lúc nào cũng tự nhủ cần nhìn vào tương lai tốt đẹp, nhưng ai có thể đảm bảo tương lai không có khó khăn? Thay vì tự an ủi bản thân vào một thời gian mơ hồ bất định, hãy tập trung vào chính hiện tại bây giờ.

Sau một năm vội vã theo đuổi quá nhiều, chúng ta không biết bông hoa ven đường nở lúc nào, không biết hoa sữa đã rụng từ bao giờ, không biết cây đã thay lá mấy đợt, không biết cả thời gian đã qua, mùa xuân sắp tới. Thậm chí không biết rằng, bắt đầu từ khi nào, cuộc sống chỉ còn là “tồn tại”, mà không còn là “sống”.

Giống như tác phẩm “A Tale of Two Cities” (Chuyện hai thành phố/Hai kinh thành) của tác giả Charles Dickens, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử văn chương giả tưởng, đoạn mở đầu của tiểu thuyết đã viết rằng:

“Đây là thời đại tốt đẹp nhất, đây cũng là thời đại tồi tệ nhất;

Đây là một thời đại của trí tuệ, đây cũng là một thời đại của sự ngu ngốc;

Đây là một mùa tươi sáng, đây cũng là một mùa tăm tối;

Đây là mùa xuân của hy vọng, đây cũng là mùa đông của sự thất vọng;

Trước mắt mọi người có thể có tất cả những gì mình cần, trước mắt mọi người cũng có thể chỉ sở hữu hai bàn tay trắng;

Mọi người đang trên đường tiến đến thiên đàng, và mọi người cũng có thể đang tiến tới địa ngục.”

Chúng ta có thể dễ dàng hiểu được rằng, một vấn đề luôn có hai mặt, tùy vào cách bạn nhìn nhận, góc độ bạn cảm nhận, bạn sẽ có được những giá trị hoàn toàn khác nhau. Hiện tại nào cũng có khó khăn, đồng thời cũng có thuận lợi. Nếu chúng ta sống với thái độ tích cực ngay từ hôm nay, thì ngày mai sẽ lại là một ngày tích cực dẫn tới thiên đàng của hy vọng. Nếu chúng ta chỉ chìm đắm trong tâm trạng tăm tối thì ngày mai, ngày sau và nhiều ngày khác đều chỉ bước tới địa ngục thất vọng mà thôi.

Do đó, bất luận quá khứ đã phạm phải những sai lầm gì, gặp gỡ những thất bại gì, hãy cứ lẳng lặng mà thay đổi tư duy bên trong của mình. Làm hết sức, sống hết mình, chăm lo cho bản thân và vui vẻ tận hưởng, đây mới là cách đúng đắn nhất để tạm biệt 2019, đón chào 2020, một giai đoạn mới, một thời đại mới.

Từ ngày mai, trước khi trở thành một người thành công, hãy là một người hạnh phúc. Từ 2020, ngoại trừ kiếm tiền, hãy sống là chính mình. Khó khăn vẫn luôn còn đó, trong quá khứ, ở hiện tại và trong cả tương lai, nhưng quan trọng là chúng ta cứ sống cho vui vẻ và đáng sống trước đã.

Theo Trí Thức Trẻ