Vinh quang nằm trong nỗ lực

Vinh quang nằm trong nỗ lực

1.068 lượt xem

Thời cổ đại ở Ấn Độ, trẻ em đều được đến những trường học gọi là Gurukul. Trường học này hoạt động giống như những trường học nội trú hiện nay. Khi tới đây, ngoài việc học hành, các em sẽ phải làm những công việc vặt hàng ngày theo sự hướng dẫn và phân công của thầy giáo.

Trong số các trẻ em được gửi tới 1 Gurukul, có một cậu bé tên là Varadraja. Rất nhanh chóng, Varadraja đã làm quen được với các bạn cùng lớp. Cậu bé cũng rất chăm chỉ và thường hoàn thành rất tốt các công việc dọn dẹp ở trường học.

Chỉ duy nhất trong việc học thì Varadraja lại là một cậu bé khá chậm chạp. Những lời giảng của thầy giáo dường như cứ vào tai bên này thì lại ra tai bên kia. Cậu không sao nhớ được bài học và theo kịp chúng bạn.

Sau 1 thời gian ngắn, Varadraja đã trở thành học sinh kém nhất trường, thậm chí là mục tiêu chế giễu và bắt nạt của tất cả bạn bè.

Đến cuối năm, trong khi tất cả các học sinh đều được lên lớp thì riêng Varadraja lại không đủ điều kiện. Cậu buộc phải lựa chọn giữa việc hoặc là học lại, hoặc là trở về nhà.

Thế nhưng, khi đến gặp thầy giáo, Varadraja đã rất buồn khi nghe thầy bảo rằng: “Mặc dù tôi đã cố gắng giảng giải cho em lâu hơn nhiều so với những học sinh khác, nhưng em vẫn chẳng hề tiến bộ chút nào. Có lẽ em không hợp với con đường học hành đâu. Theo tôi, em nên trở về nhà và giúp đỡ công việc đồng ánh cho bố mẹ em thì hơn”.

Nghe vậy, Varadraja cho rằng có lẽ lời thầy giáo cũng đúng nên đành khăn gói tất cả đồ đạc, mang 1 trái tim nặng trĩu trở về nhà.

Đi bộ từ sáng đến chiều, Varadraja đã thấm mệt. Lại thêm khát nước, nên khi nhìn thấy bên đường có 1 cái giếng, Varadraja đã dừng lại, định bụng xin 1 ít nước.

Xung quanh cái giếng nhỏ có vài phụ nữ đang dùng gầu múc nước để giặt giũ. Varadraja đến gần, lịch sự hỏi xin họ một chút nước để uống.

Sau khi uống nước xong, cậu bé quyết định ngồi nghỉ 1 lúc rồi mới lên đường. Khi đó, cậu mới để ý thấy người ta đã buộc 1 hòn đá vào sợi dây thừng để giữ cho cái gầu đủ nặng và chìm xuống giếng, giúp việc lấy nước trở nên dễ dàng hơn.

Trên bề mặt hòn đá là những dấu vết kỳ lạ, khiến Varadraja tò mò và muốn hỏi xem tại sao lại có những dấu vết đó.

“Các cô đã tạo ra những dấu vết đó ư?”, Varadraja cất lời.

“Không, chúng ta  không hề tạo ra những cái dấu vết đó. Đó là kết quả của việc nó va chạm với dây thừng nhiều lần trong khi nước được kéo lên mà thôi”, 1 trong những người phụ nữ trả lời Varadraja.

Nghe xong câu trả lời, Varadraja chợt ngồi trầm ngâm suy nghĩ.

So với hòn đá, sợi dây thừng rõ là mỏng manh và mềm yếu hơn nhiều, thế nhưng, nó lại có thể để lại những dấu vết hằn sâu, khiến hòn đá thay đổi hẳn hình dạng như vậy, quả thực không tầm thường.

Sở dĩ sợi dây thừng có thể làm được điều đó, chính là vì nó đã được sử dụng rất nhiều lần. Nói cách khác, vì nó đã cọ vào hòn đá vô số lần mới có thể tạo nên những dấu vết ấy.

“Đến một sợi dây thừng nhỏ bé còn có thể làm được như vậy, lẽ nào với sự kiên trì, mình lại không làm được? Lẽ nào mình lại không thể tạo ra những “dấu vết” của riêng mình?”, cậu bé tự nhủ.

Nghĩ vậy, Varadraja liền đi bộ quay trở lại trường học Gurukul. Thầy giáo nhìn thấy cậu trò nhỏ quay lại và trình bày sự quyết tâm thì rất vui mừng, sau đó, ông đã nhiệt tình giúp đỡ Varadraja trong quá trình học tập.

Chỉ sau vài năm, Varadraja đã có những sự tiến bộ đáng kể, nếu không muốn nói là vượt bậc. Cậu đã trở thành một học giả trẻ cực kỳ thông thạo ngôn ngữ Sanskrit (tiếng Phạn), cuối cùng đã biên soạn ra 4 cuốn sách nổi tiếng là Siddhantakumudi, Madhyasiddhantakumudi, Sarasiddhantakumudi và Girvanapadamanjari.

Lời bàn: Đúng như nhà phát minh nổi tiếng Thomas Edison từng nói, thiên tài chỉ có 1% là năng lực bẩm sinh, còn 99% là sự nỗ lực, thứ chúng ta nên tự hào không phải là chỉ số IQ của bản thân, mà chính là sự nỗ lực của mình.

Liệu sau khi thất bại, chúng ta có dám chấp nhận hiện thực, nỗ lực đi lên để làm lại từ đầu không?

Bị người khác phê bình vài ba lần đã bỏ cuộc, chúng ta không có khả năng và cũng không có tư cách để trở thành người thành công.

Người thành công không phải người giỏi nhất, không phải người chưa từng thất bại, mà ngược lại, thường là những người thất bại nhiều nhất, nhưng lại biết cách đứng dậy ngay sau thất bại của mình.