Bỉ, đội bóng không dùng tiếng mẹ đẻ khi thi đấu

Bỉ, đội bóng không dùng tiếng mẹ đẻ khi thi đấu

1.508 lượt xem

Đa sắc tộc là vấn đề và cũng là lợi thế của Bỉ ở các giải đấu lớn. Quỷ đỏ gặp khó khăn ngay từ ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày, và mang sứ mệnh hàn gắn đất nước khỏi những chia rẽ cực đoan.

Cầu thủ Bỉ nói tiếng gì?

Bỉ là đất nước của những người di cư. Nước Bỉ có 3 ngôn ngữ phổ biến nhất theo các vùng địa lý. Tiếng Hà Lan được sử dụng ở phía Bắc. Tiếng Pháp được sử dụng ở phía Nam. Hai ngôn ngữ này thịnh hành nhất. Ở phía Đông Bắc, ngôn ngữ chính lại là tiếng Đức. Riêng Brussels, nơi đặt trụ sở của các tổ chức lớn trên thế giới, là dùng song ngữ. Cả tiếng Hà Lan và tiếng Pháp đều là ngôn ngữ chính thức.
Một số nguồn tin cho biết, đội tuyển Bỉ thống nhất ngôn ngữ trong phòng thay đồ không phải tiếng mẹ đẻ, mà là… tiếng Anh. Trên sân, họ cũng trao đổi bằng tiếng Anh. Đây là quy định buộc toàn đội phải tuân thủ. Các phóng viên người Anh khi tác nghiệp trận Anh – Bỉ đã rất ngạc nhiên với điều này. Nhưng đây là giải pháp duy nhất. Có tới 12 cầu thủ đang thi đấu ở Anh, đội tuyển Bỉ chọn tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp. Hơn nữa, dù 3 thứ tiếng Hà Lan, Đức và Pháp là ngôn ngữ chính thức, thì sự thật là, người Bỉ phần lớn chỉ biết 1 hoặc 2 trong số 3 thứ tiếng này. Nếu chọn tiếng Hà Lan, Eden Hazard sẽ không hiểu được, vì cầu thủ này sinh trưởng ở vùng Walloon, chỉ nói tiếng Pháp, bên cạnh việc biết tiếng Anh do đang thi đấu ở Chelsea.
Với đặc thù dẫn dắt một đội bóng như vậy, HLV Roberto Martinez phải hoàn thiện bản thân. Ông là người Tây Ban Nha, không hề nói được 3 ngôn ngữ của Bỉ. Tuy nhiên, Martinez biết tiếng Anh. Ông chỉ đạo cầu thủ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhưng ngay cả như vậy, cũng thật khó tránh việc cầu thủ giao tiếp hàng ngày bằng các ngôn ngữ khác nhau. Ví dụ, những người chỉ biết tiếng Pháp sẽ không thể tán gẫu với các cầu thủ chỉ biết tiếng Hà Lan. Giữ tình đoàn kết trong một đội bóng kiểu này là thử thách rất lớn với Martinez.
Bóng đá hàn gắn đất nước
Tình trạng chia rẽ ở Bỉ là lẽ hiển nhiên. Nước Bỉ đứt gãy làm hai: 6,5 triệu người Flanders ở miền Bắc nói tiếng Hà Lan, và 4,5 triệu người Walloons ở miền Nam nói tiếng Pháp. “Sự khác biệt giữa hai vùng còn là tiền bạc nữa”, ông Lieven De Winter, giáo sư chính trị tại Đại Học Công Giáo Louvain nói với The New York Times. “Flanders là vùng trù phú bậc nhất châu Âu. Trong khi đó, Walloons nghèo hơn hẳn”. Đội tuyển Bỉ cũng có hai nửa như vậy. Đại diện của miền Bắc là De Bruyne, của miền Nam là Eden Hazard.
Tình trạng chia rẽ sắc tộc thịnh hành ở Bỉ, và trong bối cảnh đó, đội bóng đá nam quốc gia là biểu tượng hàn gắn. Thế hệ thứ hai của những gia đình nhập cư đã cho ra đời nhiều cầu thủ giỏi. Đại diện điển hình là Vincent Kompany, có cha từ Congo, thuộc địa cũ của Bỉ. Kompany có bản lý lịch “đỉnh cao”. Anh tốt nghiệp đại học, thông thạo 5 ngoại ngữ, hiện vẫn đang học thêm lấy bằng Thạc sĩ quản trị kinh tế. “Tôi không có một nửa dòng máu Bỉ, một nửa dòng máu Congo. 100% tôi là người Bỉ”, anh nói. “Càng nhiều người cực đoan muốn chia rẽ đất nước, ảnh hưởng lên đội tuyển quốc gia càng tích cực”.

 

Theo bongdaplus