Cô giáo Nguyễn Thanh Mai chia sẻ phương pháp ‘làm bạn’ với con

Cô giáo Nguyễn Thanh Mai chia sẻ phương pháp ‘làm bạn’ với con

1.907 lượt xem

Khi tiếp xúc với cô Nguyễn Thanh Mai, cảm nhận được nguồn năng lượng đang căng tràn trong chị thì tôi nhận thấy câu nói này đúng với chị: “Đừng đếm những gì bạn đã mất, hãy quý trọng những gì bạn đang có và lên kế hoạch cho những gì sẽ đạt được bởi quá khứ không bao giờ trở lại, nhưng tương lai có thể bù đắp cho mất mát.”

Đến với cuộc sống bằng sự lạc quan

Chị có thể chia sẻ một ngày của chị bắt đầu như thế nào?

Tôi có thói quen dậy sớm. Một ngày bắt đầu từ 5:00 sáng và 6:00 khởi hành đến trường. Công việc tại trường bắt đầu lúc 6:30 và 6:00 chiều kết thúc. Đến nhà, tôi chuẩn bị bữa ăn tối cho hai mẹ con, tập luyện bơi lội, và đọc sách báo để câp nhật thêm kiến thức, kỹ năng và thông tin cần thiết phục vụ cho công việc và cuộc sống cá nhân.

Cuối tuần, tôi đưa con về thăm ông bà hoặc sẽ có chương trình khám phá và chinh phục những điểm đến mới.

Nếu miêu tả cuộc sống bằng tính từ, chị sẽ dùng những từ nào?

Chỉ có thể nói bằng hai từ “Hạnh phúc”, vì tôi được làm việc bằng niềm đam mê, được gia đình yêu thương, con trai học giỏi – nên người, được có cơ hội học hỏi và khám phá và được đáp lại bằng tấm lòng yêu quý của các bậc cha mẹ, của các em học sinh trong suốt hơn 20 năm công tác trong ngành giáo dục.

Mỗi lần tiếp xúc với chị, chắc chắn ai cũng nhận thấy nụ cười tươi tắn, thiện cảm và cách nói chuyện vui vẻ, gần gũi. Phải chăng trong cuộc sống chị luôn là một màu hồng?

Nhiều người khi gặp tôi đều cho rằng cuộc sống của tôi luôn là màu hồng, rất hạnh phúc. Tuy nhiên trên thực tế, một người mẹ đơn thân như tôi phải chịu đựng và đương đầu rất nhiều áp lực, khó khăn và vất vả của cuộc sống. Bởi tôi phải đảm nhận nhiều vai trò: vừa chăm lo tổ ấm của hai mẹ con, dạy con nên người, chăm sóc ông bà và vừa lo chu toàn mọi việc cho trường TH, THCS, THPT Việt Mỹ VASS – tâm huyết hơn 15 năm qua của tôi. Bù lại, tôi biết cân bằng cuộc sống của mình thông qua các hoạt động thể thao, du lịch, đọc sách, làm bạn cùng con, chơi đùa với thú cưng và trẻ nhỏ…

Chị Mai cùng con trai và người thân trong một chuyến du lịch

Đồng hành cùng con như một người bạn

Được biết chị có một cậu con trai trong độ tuổi vị thành niên, việc dạy và giáo dục cháu có điều gì khiến chị băn khoăn?

Là người có thâm niên hơn 20 năm làm trong ngành giáo dục với điểm xuất phát là giáo viên trung học nên tôi luôn thấu hiểu tâm sinh lý trẻ ở độ tuổi này. Đó cũng là cái may vì tôi có kinh nghiệm dạy và giáo dục cho học sinh nói chung và cho con mình nói riêng. Hơn nữa, tôi là người có đam mê sáng tạo, học hỏi, luôn tìm tòi cách thức dạy trẻ từ các tạp chí trong và ngoài nước, kể cả từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp… Tôi dạy con suy nghĩ độc lập, tự chủ và tự quyết định cuộc đời mình.

ThS Nguyễn Thanh Mai (áo dài trắng) trong vai trò Đại sứ chương trình “Giáo dục giới tính – Chưa bao giờ là quá muộn”

Trong buổi hội thảo “Làm bạn với con – Dễ hay khó?” do Young Media kết hợp cùng VASS tổ chức thì chị cho biết rằng chị luôn tôn trọng vấn đề riêng tư của con, luôn trong tư thế động viêc và khuyến khích con… Nhưng trẻ trong độ tuổi trưởng thành thì tính tình ương bướng, thích làm theo ý mình… Chị làm thế nào để cân bằng và kiểm soát được việc này với nuôi dạy con giữa cuộc sống bận rộn này?

Giữa cuộc sống muôn bề bận rộn, tôi nhận thấy mình phải có trách nhiệm thật lớn với sự trưởng thành của con. Cách giáo dục con trẻ của tôi là không đòn roi, hạn chế tối đa việc trách mắng. Điều quan trọng chúng ta cần có cách thức giúp con nhìn nhận được việc đúng sai, tốt xấu… và định hướng được hành động đúng phải làm sau sự việc. Trẻ dậy thì thường ương bướng, khó bảo… nên việc giáo dục con ở độ tuổi này không dễ dàng mà đòi hỏi sự kiên nhẫn, gần gũi và tạo niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho con.

Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm của riêng mình trong việc “làm bạn” với con?

“Làm bạn với con” có lẽ là điều mà bất cứ người làm cha, làm mẹ nào cũng luôn mong muốn. Khi con càng lớn, khoảng cách giữa chúng ta và con càng ngày càng xa, rồi dần mất kết nối, không thể chia sẻ hay lắng nghe cùng nhau… Để trở thành một người bạn thực sự với con, theo kinh nghiệm của tôi, làm bạn với con có các cách thức sau đây:

Tôn trọng con như một người trưởng thành: Hãy tôn trọng và đối xử với trẻ như một người trưởng thành có khả năng tự giải quyết được mọi việc, bố mẹ sẽ giúp con cảm thấy được tôn trọng và gần gũi hơn. Tôi rất tôn trọng quyền riêng tư của con. Ngay cả khi muốn vào phòng con tôi cũng phải gõ cửa hoặc lên tiếng, không sắp xếp vật dụng của con, để rèn con tính tự lập. Không bao giờ can thiệp vào những việc mà con có thể tự giải quyết mà chỉ đóng vai trò là người quan sát và cho lời khuyên. Khuyến khích con tự làm những việc hàng ngày như phơi đồ, gấp quần áo, dọn dẹp nhà cửa, rửa chén bát, tự mua đồ… Được bố mẹ trao quyền tự quyết khiến trẻ cảm thấy bố mẹ không phải người ra lệnh mà là người bạn, người hướng dẫn.

Động viên và khích lệ: Phương pháp này được áp dụng khá nhiều trong phương pháp giáo dục của hầu hết các bà mẹ trên thế giới. Quá mải mê chỉ trích, than phiền con… dần dần vô tình sẽ hình thành trong con suy nghĩ rằng khả năng của bản thân chỉ có thể như vậy và con tự thu hẹp mình trong vòng giới hạn đó. Khi muốn con an tâm, tôi sẽ trò chuyện cùng con và luôn bên cạnh con.

Cùng tham gia hoạt động trải  nghiệm  ngoài  trời: Khuyến khích tham gia hoạt động trải nghiệm thay vì ở nhà xem tivi hoặc chơi games. Các hoạt động này rất phong phú như chơi thể thao, đi du lịch, khám phá những điểm đến mới, đi mua sắm, đi nhà sách… và bố mẹ cùng tham gia, chia sẻ với con những khoảnh khắc vui vẻ này. Sau những buổi trải nghiệm như vậy, các bố mẹ sẽ thấy khoảng cách với con sẽ rút ngắn đi, hiểu con và yêu con hơn.

Không chiều chuộng: Bố mẹ nào cũng thương yêu và thường muốn thay con làm hết mọi việc. Điều đấy lại vô tình khiến con nghĩ chỉ bố mẹ mới làm được những điều các em không thể làm. Bên cạnh đó, không coi con như một đứa trẻ cần sự giúp đỡ để con cảm thấy tự tin với những gì mình có thể làm, và sẽ dễ nói chuyện với bố mẹ hơn. Khuyến khích con làm quen với mọi thứ, thử sức mình với nhiều công việc lớn nhỏ, chứ không phải bao bọc, nuông chiều khiến con ỷ lại, dựa giẫm…

Hăng say khám phá thế giới như… một người trẻ tuổi

Chị là người theo chủ nghĩa xê dịch (thích đi du lịch và trải nghiệm)? Sau mỗi chuyến đi sẽ để lại trong chị điều gì?

Tôi có đam mê du lịch, trải nghiệm và khám phá. Tại những nơi tôi đặt chân đến trong mỗi chuyến đi là một bài học, mang lại kinh nghiệm sống cho bản thân về văn hóa, lịch sử, ẩm thực, cảnh đẹp thiên nhiên, các loài động thực vật, ý thức bảo vệ môi trường, kỹ năng sinh tồn… Tất cả được tôi sẻ chia cho các thầy cô và học sinh bằng những chuyến đi thực tế do tôi tổ chức và sắp xếp, qua những câu chuyện cho buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần… Hơn nữa, những chuyến đi dành cho học sinh phải mang lại những kết quả thực tế, những kỹ năng cần thiết để phục vụ cuộc sống của chính các em.

Đến lúc này, chị có cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại?

Đối với tôi, hầu như tôi luôn luôn hài lòng với cuộc sống của mình, vì khi chúng ta biết hài lòng thì mới cảm thấy hạnh phúc. Hơn nữa, tôi nhận thấy mình rất may mắn vì nhìn ra ngoài kia, biết bao mảnh đời khó khăn, biết bao cuộc sống cơ nhỡ cần mọi người chung tay giúp sức.

Xin cảm ơn và chúc chị và con trai có một cuộc sống an yên và viên mãn.

Sơn Thành