Ra Tết – Mùa nhảy việc: Lương cao, thăng tiến tốt, môi trường hay, tội gì không nhảy!

Ra Tết – Mùa nhảy việc: Lương cao, thăng tiến tốt, môi trường hay, tội gì không nhảy!

1.873 lượt xem

Nhảy việc là một văn hóa “kinh điển” của thế hệ trẻ và hiện tượng này thường bùng nổ ngay sau Tết khiến giới lãnh đạo khắp nơi đau đầu. Đối với nhiều người, đây là phương án duy nhất nếu muốn nhanh chóng tăng lương và phát triển sự nghiệp. Và câu hỏi lẩn quẩn trong đầu những bạn trẻ sau Tết đó chính là: “Liệu đây có là thời điểm thích hợp để nhảy hay không?”

Các báo cáo gần đây cho thấy tỷ lệ thay đổi công việc của các nhân viên ở độ tuổi 20 ngày một cao, nhưng một nghiên cứu của Careerbuilder thì cho thấy chỉ có 45% nhân viên mong muốn làm việc tại một công ty trên 2 năm, cho thấy nhảy việc là một hành động không có gì quá bất thường.

Nhảy việc đồng nghĩa với tăng lương?

Mọi người tin rằng các nhân viên nhảy việc vì vấn đề lương bổng, và đây cũng là động lực lớn nhất để nhảy việc. Mức lương của công việc mới thông thường sẽ cao hơn hẳn mức lương được tăng hàng năm khi tiếp tục làm ở công ty cũ.

Theo tổ chức Legal Technology Solutions (LTS), với một nền kinh tế phát triển tốt, nhân viên khi nhảy việc sẽ được tăng ít nhất 20% lương, so với mức tăng mỗi năm chỉ từ 5-10%.

Và theo một bài viết trên Forbes, nếu bạn ở lại một vị trí nhiều hơn hai năm với mức lương không thay đổi, tổng số lương của cả cuộc đời bạn sẽ bị giảm đến 50%.

Đặc biệt đối với những bạn trẻ mới bắt đầu sự nghiệp, thay đổi công việc một cách hợp lý sẽ giúp bạn có mức lương tăng tưởng gấp vài lần, nhất là khi so với những công việc “new entry” không đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và chỉ ưu tiên thuê sinh viên mới ra trường. Tiền sẽ luôn là một yếu tố quyết định động lực làm việc, và nhảy việc sẽ luôn là cách hiệu quả nhất để đạt được điều đó.

Nhảy việc để phát triển sự nghiệp

Ra Tết - Mùa nhảy việc: Lương cao, thăng tiến tốt, môi trường hay, tội gì không nhảy! - Ảnh 1.

Một cuộc khảo sát trên LinkedIn gần đây cho thấy, 59% nhân viên quyết định nhảy việc bởi vì họ tin rằng công việc mới sẽ giúp họ phát triển hơn trên con đường sự nghiệp. Tại rất nhiều tổ chức, đặc biệt là các công ty nhỏ, các hướng phát triển sự nghiệp thường bị giới hạn và qua đó giới hạn luôn khả năng phát triển của nhân viên.

Và đối với nhiều công ty khác, chức vụ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trách nhiệm và tiền lương. Do đó, nhảy việc sẽ giúp nhân viên tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình mà không làm ảnh hưởng tới các đồng nghiệp đã cùng đồng cam cộng khổ bấy lâu nay.

Và nhảy việc để tìm môi trường phù hợp

Thế hệ nhảy việc ngày nay đã tràn ngập khắp mọi tầng lớp doanh nghiệp, mặc dù chỉ có thời gian cam kết ngắn tại mỗi nơi, nhưng thế hệ này thường nhanh chóng lấy được tình cảm, tạo dựng các mối quan hệ thân thiết và xóa mờ nhiều ranh giới mà các thế hệ trước không làm được.

Và đặc biệt là các nhân viên ngày nay luôn mong muốn kiếm được một môi trường và văn hóa làm việc phù hợp. Cũng theo cuộc khảo sát tại LinkedIn ở trên, 36% nhân viên ra quyết định thay đổi chỗ làm vì cảm thấy không phù hợp cũng như bất mãn đối với môi trường hiện tại.

Đừng lo, nhảy việc không có gì là xấu

Trong quá khứ, phòng Nhân sự thường đánh giá không cao những hồ sơ với thời gian làm việc ở nhiều chỗ dưới một năm. Nhưng cái nhìn ác cảm đó đã dần dần giảm đi trong thời gian gần đây, theo một khảo sát của Robert Half, 57% nhà tuyển dụng không ngần ngại cân nhắc các ứng cử viên thường thay đổi công việc trong thời gian ngắn nếu họ có lý do phù hợp.

Và khi thế hệ nhảy việc được lên các vị trí quản lý và bắt đầu ra quyết định tuyển dụng, họ chắc chắn sẽ có một góc nhìn rất khác về nhảy việc. Xu hướng chung của các công ty hiện nay là tìm kiếm những nhân tài có thể đem lại nhiều giá trị và nhanh chóng hòa nhập vào môi trường của công ty.

Ra Tết - Mùa nhảy việc: Lương cao, thăng tiến tốt, môi trường hay, tội gì không nhảy! - Ảnh 2.

Thêm vào đó, với một nền kinh tế đa dạng như hiện nay, không ít các công ty bố trí nhiều vị trí dành cho sinh viên mới ra trường với mức lương tương đối thấp và thời gian thay đổi nhân sự khá nhanh.

Một khảo sát vào năm 2015 của Elance Odesk cho thấy 52% thế hệ nhân viên trẻ cho rằng “lòng trung thành” đối với công ty không phải là một việc hệ trọng, và ít ai trong thế hệ đó nghĩ rằng mình sẽ cống hiến cả sự nghiệp tại một công ty.

Nhưng các bạn nhảy việc nên thật sự cân nhắc câu trả lời của mình khi được hỏi về quá trình thay đổi công việc. Các nhà tuyển dụng thường đánh giá rất cao các nhân sự mạo hiểm nhảy việc để học hỏi kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm cũng như khám phá một ngành nghề hoàn toàn mới.

Vậy, khi nào chúng ta nên nhảy việc?

1. Khi bạn đã đạt mức lương tối đa ở công ty hiện tại

Giới trẻ hiện nay thường được tăng từ 5 đến 10 triệu đồng khi “nhảy” được vị trí phù hợp. Số tiền trên có vẻ khá nhiều, nhưng so với các nhân sự cấp cao tại công ty, 5-10 triệu là một khoản quá nhỏ để mạo hiểm nhảy việc.

Vì vậy hãy cân nhắc xem mình có thể làm gì để nhận được mức lương tối đa tại công ty hiện tại trước khi đưa ra quyết định.

Ra Tết - Mùa nhảy việc: Lương cao, thăng tiến tốt, môi trường hay, tội gì không nhảy! - Ảnh 3.

2. Khi bạn được trả quá thấp so với thị trường

Nhân viên ở một vị trí khá lâu sẽ thường phát hiện ra đứa sinh viên mới ra trường cùng công ty được trả lương không kém, hoặc có khi còn cao hơn mình.

Vì thế bạn phải luôn theo dõi các chỉ số lương và mức phúc lợi mà các nhân viên với chức vụ tương tự đang nhận được trên thị trường. Nếu bạn đang được trả lương quá thấp so với mặt bằng chung, đó là một dấu hiệu bạn nên thay đổi công việc ngay lập tức. Sử dụng các số liệu đáng tin cậy từ các trang tìm việc lớn như Jobstreet, Vietnamwork, hoặc các công ty nhân sự như Robert Walters và First Alliances để làm cơ sở đưa ra quyết định.

Đây cũng là một dữ liệu rất tốt để tiến hành thương lượng mức lương bạn mong muốn khi phỏng vấn với công ty mới.

3. Và quan trọng không kém là, khi bạn có dấu hiệu “brownout”

Ra Tết - Mùa nhảy việc: Lương cao, thăng tiến tốt, môi trường hay, tội gì không nhảy! - Ảnh 4.

Brownout là một khái niệm mới nhưng rất đáng sợ đối với các nhân viên ngày nay. Người ta thường quen với hiện tượng “Burnout” – kiệt sức khi khối lượng công việc quá lớn và quá sức chịu đựng. Nhưng brownout lại hoàn toàn ngược lại, nó là triệu chứng không có năng lượng để làm việc, mặc dù cơ thể vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến những đồng nghiệp xung quanh và tới cả công ty.

Và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đó chính là bản thân những nhân viên chán chường đó. Chẳng phải nhảy việc đem đến bao nhiêu sự đổi mới đó sao, lương cao, sự nghiệp thăng tiến, môi trường phù hợp và hiện nay chẳng mấy ai đánh giá việc bạn nhảy việc nhiều lần cả. Chúng ta đã có một cái Tết để nạp lại năng lượng rồi, chẳng phải đây là thời gian bạn nên cân nhắc quyết định “nhảy việc” hay sao?

Theo Trí Thức Trẻ